4 lý do vì sao chất lượng MacBook đang ở điểm đáy trong lịch sử Apple

Mới đây, blogger chuyên về Apple là John Gruber đã khẳng định nhà thiết kế sắp rời khỏi Apple, Jony Ive, chính là người đã gây ra những vấn đề với bàn phím trên những mẫu MacBook Pro thời gian qua. Theo Gruber, nỗi ám ảnh của Ive với những thiết bị có độ mỏng như siêu mẫu đã dẫn đến kết quả là chiếc bàn phím với thiết kế không thể tệ hơn.

Trong bài viết của mình, Gruber còn nói rằng "những chiếc MacBook ngày nay là những chiếc máy tính tệ hại nhất, nhưng lại là những thiết bị có ngoại hình đẹp". Có lẽ chúng ta không thể đồng ý hơn nữa - MacBook Pro từ đời 2016 đến nay rõ ràng để ngắm thì quá tuyệt, còn để dùng thì...

Trên thực tế, những chiếc laptop của Apple luôn được đánh giá là mạnh mẽ, có thiết kế đẹp, và chạy một hệ điều hành tuyệt vời. Nhưng có 4 điểm khiến chúng rơi khỏi danh sách mua sắm của nhiều người, và 3 trong số đó có liên quan đến thiết kế siêu mỏng mà Apple theo đuổi. 

Những chiếc laptop Mac gần đây, bắt đầu với MacBook vào năm 2015, MacBook Pro năm 2016, và MacBook Air năm 2018, là những chiếc laptop tệ hại nhất Apple từng làm ra. Lý do tại sao?

1. Bàn phím lẫy bướm dễ hỏng

 

4 lý do vì sao chất lượng MacBook đang ở điểm đáy trong lịch sử Apple - Ảnh 1.

 

Đây là một vấn đề khá phổ biến và được nhắc đến rất nhiều trên những chiếc MacBook mới, gây ra nhiều vấn đề khó chịu đối với những người dùng không may mắn.

Không phải mọi MacBook với bàn phím lẫy bướm đều dễ bị hỏng. Ví dụ, hầu như chưa có người dùng MacBook Air 2018 nào phàn nàn về vấn đề này cả.

Apple đã mở một chương trình sửa chữa đặc biệt dành riêng cho lỗi bàn phím lấy bướm. Khá hài hước là ngay cả những chiếc laptop mới nhất được hãng ra mắt trong năm 2019 này cũng được đưa vào chương trình dù cho chưa có ai dùng máy đủ lâu để phát hiện ra bàn phím có thực sự bị lỗi như trước hay không.

2. Chi phí sửa chữa có thể cực kỳ đắt đỏ đối với những vấn đề nhỏ nhặt nhất

 

4 lý do vì sao chất lượng MacBook đang ở điểm đáy trong lịch sử Apple - Ảnh 2.

 

Trên con đường theo đuổi những món đồ công nghệ siêu mỏng, Apple mang đến một hệ lụy mới: việc sửa chữa ngày càng khó khăn và đắt đỏ hơn.

Đôi lúc, những vấn đề nhỏ nhặt nhất, như thay thế một linh kiện rẻ tiền nào đó, cũng đồng nghĩa với việc bạn phải thay thế cả một mảng linh kiện lớn khác trên chiếc laptop. Nếu bạn chưa hiểu vấn đề thì dưới đây là 2 ví dụ điển hình về điều này.

Đầu tiên là bàn phím. Nếu một phím duy nhất bị lỗi, không thể sửa bằng cách thổi khí nén hoặc các phương pháp khác, bạn sẽ phải thay cả phần vỏ trên của chiếc laptop. Phần vỏ trên ở đây là toàn bộ bề mặt nơi chứa bàn phím, và pin của laptop Mac cũng thường dính vào phần vỏ này. Kết quả là, dù chỉ một phím bấm bị hỏng - một miếng nhựa giá chưa đến 1 USD - bạn vẫn phải thay thế toàn bộ bề mặt bàn phím và pin máy!

Tiếp đó là lỗi "flexgate" - những đường kẻ sọc xuất hiện xung quanh phần đáy màn hình laptop Mac. Theo iFixit thì "thiết kế nhồi nhét những sợi cáp cong của màn hình rất dễ khiến chúng bị hỏng, dẫn đến một loạt các vấn đề màn hình không dễ sửa được (và chi phí cũng không rẻ)".

Apple đã thiết kế các sợi cáp như một phần của màn hình, nên chúng không thể thay thế được. Có nghĩa là nếu những sợi cáp cong đó bị hỏng, bạn phải thay thế toàn bộ màn hình chứ không chỉ một hoặc hai sợi cáp nhỏ - một vấn đề lẽ ra chỉ tốn 6 USD để sửa bỗng biến thành một thảm họa trị giá 600 USD.